Tại sao Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn bình chân như vại trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”?

Sau khi chính thức trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vào đầu tháng 8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hùng hồn tuyên bố đưa đất nước bước sang một “kỷ nguyên mới của dân tộc”.

Tuy nhiên, do chưa lường hết được các khó khăn, đặc biệt là sự ủng hộ của giới chức lãnh đạo cấp cao trong Đảng, chỉ sau một thời gian rất ngắn, cái gọi là “kỷ nguyên của dân tộc” đã vắng bóng trên truyền thông.

Ngay sau đó, kế hoạch tinh giản bộ máy đã được ông Tô Lâm đưa ra thay thế. Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ấn định việc hoàn tất kế hoạch tinh giản bộ máy phải được hoàn thành trong quý 1/2025.

Đây là một quyết định mang tính chất mệnh lệnh vội vã, thiếu căn cứ, và cơ sở. Trong khi hệ thống các văn bản pháp luật của nhà nước cho việc sáp nhập các cơ quan trong bộ máy chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Mới nhất, ngày 6/1, Quốc hội Việt Nam thông báo dự kiến sẽ sửa gần 300 luật, nghị quyết, tại Kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025. Đây là con số sửa đổi luật kỷ lục của Quốc hội trong một kỳ họp bất thường.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành và liên quan đến tổ chức sẽ phải sửa đổi. Bộ Tư pháp đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính. Vẫn theo ông Trần Thanh Mẫn, đây là công việc hết sức lớn và sẽ không tính vào thời gian họp.

Theo giới chuyên gia, thực chất việc sửa 300 luật, và hơn 4.000 nghị định là sửa đổi các văn bản của các bộ, ngành để có cùng nội dung cho thống nhất. Nhưng họ cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, Quốc hội dự kiến sửa quá nhiều luật trong thời gian ngắn, mà lại không có lộ trình bài bản được chuẩn bị trước. Điều này có thể dẫn đến việc sửa đổi khó có thể đảm bảo được chất lượng và thời gian.

Theo giới phân tích, những điều kể trên đã cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm ngày càng tỏ rõ là một lãnh đạo thiếu tầm nhìn xa, thường đưa các quyết định gây tranh cãi. Cụ thể như:

  • Thất bại trong việc duy trì Ban Kinh tế Trung ương. Vao ngày 9/12/2024, ông Tô Lâm khẳng định rằng, Ban Kinh tế Trung ương phải tồn tại để đảm bảo Việt Nam không tụt hậu và chệch hướng phát triển chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Ban này đã bị giải thể sau đó.
  • Ông Tô Lâm đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tinh gọn bộ máy chính trị, tuy nhiên, cách tiếp cận này được cho là quá gấp gáp, và thiếu sự đồng thuận, dẫn đến phản ứng tiêu cực từ các nhóm lợi ích và cán bộ trong hệ thống.
  • Mặc dù kêu gọi chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, nhưng ông Tô Lâm lại ủng hộ triển khai các dự án, được cho là chưa thực sự cần thiết như bảo tàng Đảng Cộng Sản, hay cải tạo Khu nhà khách Hồ Tây, v.v…

Những sự kiện trên đã cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đang gặp phải nhiều thách thức, trong việc thể hiện tầm nhìn lãnh đạo dài hạn, và khả năng thực hiện các cam kết của mình.

Giới thạo tin đánh giá, ông Tô Lâm vốn là kẻ đầu sai của cựu Thủ tướng Ba Dũng và Tổng Bí thư Trọng trong chuyện bắt người. Do đó, Đại tướng Tô Lâm chỉ quen với dùi cui, còng số 8, thì lại bỗng dưng “nhảy tót” lên làm Tổng Bí thư.

Chỉ trong thời gian ngắn hơn 5 tháng, thực tế đã cho thấy, ông Tô Lâm không chỉ có vấn đề lý luận, mà kể cả thực tiễn quản trị quốc gia cũng chẳng có gì, ngoài mớ nghiệp vụ “bắt, giam, tha” để làm tiền thiên hạ, trong khi hồ sơ làm lãnh tụ thì mỏng, và có vấn đề về đạo đức cá nhân.

Đây là lý do, trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” khi Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trăm công, ngàn việc, người ta thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn vô tư đi “vi vu” Bình Dương, Bình Phước để thăm hỏi các lãnh đạo lão thành cách mạng, như chẳng có chuyện gì xảy ra.

 

Trà My – Thoibao.de